Ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW (Nghị quyết 24-NQ/TW) về phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo ra sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đông Nam bộ trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức hành động và xác định trách nhiệm của các cấp ủy, sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ban TVTU đã ban hành Kế hoạch số 257-KH/TU ngày 18-5-2023 về thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW.
Tạo cú hích cho vùng Đông Nam bộ
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW đã nhấn mạnh: “Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Đặc biệt, phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, đổi mới, năng động, sáng tạo; ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, đã đạt được”.
Vùng Đông Nam bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh, gồm: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là những đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Theo Nghị quyết 24-NQ/TW đánh giá, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước.
Xem thêm: Dự án khu đô thị công nghiệp Estella City Sông Mây, Đồng Nai
Đông Nam bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt 67%, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.
Tuy nhiên, Nghị quyết 24-NQ/TW cũng chỉ rõ: Vùng Đông Nam bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn, như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…
Bộ Chính trị xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mang tính quyết định cần sự tham gia tích cực, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương vùng Đông Nam bộ.
Quyết tâm vượt lên chính mình
Là tỉnh nằm trong vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể để thực hiện Nghị quyết 24 -NQ/TW có hiệu quả. Kế hoạch số 257-KH/TU của Ban TVTU chỉ rõ đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai trong vùng Đông Nam bộ trở thành khu vực phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng cao; trung tâm công nghệ cao, sử dụng công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn; dịch vụ logistics có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Phát triển hệ thống đô thị thông minh và hiện đại, là một trong những tỉnh đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Xem thêm: Dự án khu đô thị công nghiệp Estella City Sông Mây, Đồng Nai
Đến năm 2030, Đồng Nai cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và đứng đầu cả nước.
Muốn đạt được mục tiêu này, Đồng Nai phải vượt qua được chính mình khi khắc phục những hạn chế đã và đang làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Đó là kinh tế tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng thấp, chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hệ thống giao thông chưa thông suốt. Hạ tầng các đô thị, khu dân cư chưa phát triển tương xứng; các khu công nghiệp phát triển nhanh nhưng phần lớn là thu hút các dự án hỗn hợp, sử dụng nhiều lao động phổ thông; một số khu công nghiệp kết nối hạ tầng ngoài hàng rào và phát triển các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ…
Khoảng cách về phát triển công nghiệp còn chênh lệch lớn giữa các địa phương, cơ cấu giá trị sản xuất nhóm ngành công nghiệp thiên về kỹ thuật, chất lượng cao mặc dù đã có sự chuyển dịch, tuy nhiên vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, phải thẳng thắn nhìn nhận sự liên kết giữa các ngành, lĩnh vực trong vùng đã được quan tâm chỉ đạo triển khai nhưng chưa bền vững, thiếu tính thường xuyên. Sự hợp tác, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, nhất là các tỉnh trong vùng kinh tế Đông Nam bộ trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội chưa được phát huy tốt.
Phát triển Đồng Nai phù hợp với quy hoạch vùng
Ngay sau khi Ban TVTU ban hành Kế hoạch 257-KH/TU, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động; cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các đơn vị, sở, ngành cũng đều có kế hoạch riêng cho từng lĩnh vực, nhiệm vụ, sát với mục tiêu mà nghị quyết và kế hoạch của tỉnh đề ra; đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành từng nội dung cụ thể.
Quan điểm của Đồng Nai khi thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW là phát triển tỉnh Đồng Nai phải phù hợp với quy hoạch vùng Đông Nam bộ, các chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các sở, ban, ngành, địa phương trong quy hoạch và quản lý phát triển vùng. Xây dựng tỉnh Đồng Nai trong vùng Đông Nam bộ văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới và có tầm nhìn chiến lược.
Tỉnh cũng đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhằm tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội tỉnh, nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất. Đặc biệt là khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của tỉnh của vùng.
Xem thêm: Dự án khu đô thị công nghiệp Estella City Sông Mây, Đồng Nai
Trong đó, một trong những ưu tiên của tỉnh là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phối hợp với các cơ quan trung ương phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai; đầu tư cảng hàng không, đặc biệt là tập trung xây dựng, đưa vào vận hành cảng hàng không quốc tế Long Thành, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải đường thủy chính của vùng; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; quan tâm phát triển giao thông đường sắt. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong tỉnh. Xây dựng tỉnh Đồng Nai thành trung tâm giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia.
Nguyễn Hồng Lĩnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai