Trang chủ Tin dự án Doanh nghiệp vẫn xem Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn

Doanh nghiệp vẫn xem Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đã đến Đồng Nai gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành để đề xuất các dự án đầu tư vào tỉnh.

Dự án đầu tư vào nông nghiệp ở H.Long Thành của Công ty CP Đầu tư thương mại 939

Dù mức độ cạnh tranh giữa các tỉnh, thành ngày càng gay gắt nhưng DN vẫn xem Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn. Vấn đề mà các DN mong muốn là tỉnh cần cải thiện hơn nữa việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thông thoáng cho DN; đầu tư hạ tầng kết nối một cách tốt hơn.

Sức hút của Đồng Nai vẫn lớn

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đối với thu hút đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến ngày 31-7, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút thêm hơn 779,6 triệu USD. Điều đặc biệt là số vốn tăng thêm này chủ yếu được các DN đang hoạt động hiện hữu mở rộng nhà máy sản xuất, đầu tư máy móc công nghệ. Các dự án đầu tư mới tuy quy mô nhỏ nhưng tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực mà Đồng Nai đang đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Song song đó, vốn đầu tư của các DN trong nước đã có sự khởi sắc trở lại. Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 7 tháng của năm nay, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư (chưa bao gồm các dự án trúng đấu giá, đấu thầu) và điều chỉnh tăng vốn hơn 6,7 ngàn tỷ đồng, gấp 13,9 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cấp mới 17 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5,9 ngàn tỷ đồng và 7 dự án bổ sung thêm 796 tỷ đồng.

Tháng 3-2023, hàng chục doanh nhân, DN thuộc CLB Doanh nhân Sao Vàng đất Việt đã vào tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đồng Nai. Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (TP.Hà Nội) Nguyễn Văn Luyến cho hay, DN quan tâm đến vấn đề phát triển dự án nhà ở, trong đó có dự án nhà ở xã hội ở TP.Biên Hòa. Qua nắm bắt thông tin, DN biết Đồng Nai quy hoạch khu vực P.Tân Hòa và P.Long Bình để xây dựng nhà ở xã hội. Do đó, DN muốn tìm hiểu thêm thông tin từ các cơ quan liên quan của địa phương để có thể tiếp cận và có phương án phù hợp.

Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng cho hay, qua làm việc với các đối tác từ Hà Nội vào thì hiện nay Hiệp hội Logistics Hà Nội đang mong muốn đầu tư Khu phức hợp logistics ở Đồng Nai.

Mới đây, một nhà đầu tư có tiềm lực đã đề xuất thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại H.Long Thành và H.Cẩm Mỹ với số vốn lớn.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo đánh giá của các DN đã và đang đầu tư vào địa bàn tỉnh, Đồng Nai có nhiều tiềm năng và lợi thế song thời gian gần đây, sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương ngày càng gay gắt. So sánh với các địa phương lân cận trong vùng Đông Nam bộ, lợi thế của Đồng Nai thời gian gần đây đã có phần giảm sút, nếu không tiếp tục có giải pháp cải thiện sẽ khó khăn hơn trong thu hút đầu tư.

Sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt Texhong Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch

Tổng giám đốc Công ty CP Sonadezi Long Bình Nguyễn Bá Chuyên cho hay, công ty đang là chủ quản của một số khu công nghiệp (KCN) như: Biên Hòa 2, Gò Dầu, Thạnh Phú, Xuân Lộc và thuê diện tích lớn ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại các KCN trên địa bàn tỉnh, các DN thứ cấp đầu tư vào còn gặp một số khó khăn. Ở KCN Xuân Lộc, có nhà đầu tư muốn mở rộng nhà máy đã 3 năm nhưng thủ tục vẫn chưa hoàn thành. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN và họ phàn nàn đến công ty đầu tư hạ tầng. Hay như KCN Thạnh Phú, quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng đã kéo dài 13 năm vẫn chưa xong. Những điều này sẽ khiến các nhà đầu tư cân nhắc về dự án đầu tư vào địa phương dù Đồng Nai có nhiều lợi thế.

Cũng theo ông Chuyên, rất nhiều nhà đầu tư hỏi về cam kết hoàn thành các thủ tục nhưng công ty hạ tầng không thể trả lời cụ thể nên cũng mất đi một phần sức hút.

Cùng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức Hiroyuki Ishii (chủ đầu tư KCN Long Đức) cho rằng, Đồng Nai cần đặt trong sự so sánh với các địa phương có sự phát triển của nhiều KCN và thu hút đầu tư lớn. Để tiếp tục giữ vững là điểm đến ưu tiên thì địa phương cần cải thiện mạnh mẽ hơn tiến độ thực hiện các phần việc liên quan sau khi đã chấp thuận chủ trưởng đầu tư. Điều này vừa tạo sức hút đối với cộng đồng DN, vừa khẳng định vị thế của tỉnh trong tương quan với các tỉnh, thành khác.

Ý kiến bình luận