Trong khi Quốc lộ 13, đoạn chạy qua Bình Dương đang được nâng cấp, mở rộng thì hơn 5 km qua TP.HCM (từ cầu Bình Triệu 2 đến cầu vượt Bình Phước) chỉ 4-6 làn, tạo “nút thắt cổ chai”, thường xuyên ùn tắc. Nhiều lần TP.HCM lên phương án mở rộng nhưng chưa thể thực hiện.
Quốc lộ 13 dài hơn 145 km, là con đường quan trọng bậc nhất cho sự phát triển của Bình Dương và Bình Phước, đồng thời kết nối các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc mở rộng Quốc lộ 13 đáp ứng hai mục tiêu lớn của địa phương là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và thúc đẩy phát triển đô thị. Tháng 4.2022, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến nút giao Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một), dài khoảng 13 km chính thức khởi công. Dự án được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Hiện dự án triển khai trước đoạn từ nút giao Đại Lộ Tự Do (Khu công nghiệp VSIP 1, TP Thuận An) đến ngã tư Lê Hồng Phong, dài khoảng 6 km. Phần mở rộng ở bên phải đường, theo hướng từ TP.HCM đi Bình Dương.
Tuyến đường được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe với chiều rộng bề mặt là 40,5 m. Sau hơn một năm, đoạn mở rộng đã thành hình hài, nhưng chưa được bàn giao hết mặt bằng. Tính đến đầu tháng 8.2023, công tác giải phóng mới đạt 31,4%, diện tích thu hồi mặt bằng đạt 42.500m2 trên tổng 135.000m2.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài chưa bàn giao hết mặt bằng, việc vướng lưới điện cũng ảnh hưởng tiến độ. Hiện, UBND TP.Thuận An đang hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bồi thường để thực hiện dự án hạng mục bồi thường di dời lưới điện khoảng 95 tỉ đồng.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc mở rộng Quốc lộ 13 góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh đến các tỉnh, thành lân cận. Tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ đền bù, tập trung thi công sớm hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.
Còn tại TP.HCM, hành trình triển khai mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu 2) khá trầy trật, với nhiều lần điều chỉnh. Sau hai thập kỷ, đến nay, con đường cửa ngõ Đông Bắc của thành phố vẫn chưa được khai thông.
22 năm trước, kế hoạch mở rộng Quốc lộ 13 nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2 – giai đoạn 1. Dự án do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) được ký năm 2001.
Trong dự án này có công trình xây dựng cầu Bình Triệu 2, mở rộng Quốc lộ 13 từ ngã năm Đài liệt sĩ đến ngã tư Bình Phước, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (đoạn từ ngã năm Đài liệt sĩ đến cầu Sài Gòn)…
Ban đầu UBND TP.HCM có chủ trương mở rộng Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu từ 32 m lên 53 m. Theo tính toán của Cienco 5, dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng nên không thể thực hiện vì vượt quá khả năng tài chính thời điểm đó.
Tháng 3.2005, UBND TP.HCM giao lại dự án này cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, do nguồn vốn quá lớn nhưng khả năng hoàn vốn khó khăn, vì vậy việc đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 13 một lần nữa bị khất lại.
Nhiều năm qua, việc đi qua Quốc lộ 13, đoạn qua TP.HCM đã trở thành nỗi “ám ảnh” với người dân do tuyến đường quá hẹp, thường xuyên bị ùn tắc.
Đặc biệt là tại “nút thắt cổ chai” cầu Ông Dầu, cầu Đúc Nhỏ khi mặt cầu quá nhỏ, cộng với lượng xe cộ qua lại đông đúc khiến kẹt càng thêm kẹt.
Theo kế hoạch trong năm 2023 của TP.HCM, dự án mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (TP.HCM) dài gần 5 km sẽ được phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, năm 2024 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công công trình vào năm 2025.
Dự kiến, Quốc lộ 13 được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 9.990 tỉ đồng, đang được xem xét đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh). Công trình khi hoàn thành góp phần giảm ùn tắc, phát triển đô thị khu vực phía Đông TP.HCM. Đồng thời, công trình cũng giúp kết nối Vành đai 2, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành chuẩn bị đầu tư những năm tới.