Trong 10 năm qua, giá bất động sản tăng đều đặn và đã tăng hàng chục lần. Lãi suất thấp cùng với lạm phát cao kỷ lục là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.
Trong 10 năm qua, giá địa ốc đã tăng đều đặn và đã tăng hàng chục lần.
Báo cáo mới đây của DKRA Group cho thấy, về mức giá bán căn hộ mới, TP. Hồ Chí Minh vẫn là nơi có mức giá đắt đỏ nhất khi mức giá thấp nhất là 58 triệu đồng/m2, cao nhất lên tới 312,7 triệu đồng/m2. Đứng ngay sau là Bà Rịa – Vũng Tàu, mức giá thấp nhất ghi nhận là 47,3 triệu đồng/m2, cao nhất là 51,3 triệu đồng/m2.
Mặt bằng giá bán trên thị trường sơ cấp không có nhiều biến động, nhưng trên thị trường thứ cấp, một số giao dịch vẫn ghi nhận mức giảm 50-150 triệu đồng/căn, tập trung ở những dự án chậm tiến độ bàn giao, hết thời gian ân hạn gốc, lãi vay.
Bên cạnh đó, theo ước tính của VARS, mỗi năm, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 đơn vị nhà ở do phát sinh thêm các hộ gia đình thành thị mới, đặc biệt là từ nhu cầu “ra ở riêng” của thế hệ trẻ tách từ các đại gia đình.
Do sự thiếu hụt này, giá nhà sẽ còn tăng cao hơn. Dù vậy, sự thiếu hụt này không xảy ra ở tất cả các phân khúc, có nghĩa là không phải giá của tất cả loại hình bất động sản sẽ bị tác động theo cùng một cách.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS – cho biết, bất động sản là sản phẩm có tính nội địa hóa cao, giá sẽ tăng với tốc độ khác nhau ở các khu vực và thị trường khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào cán cân cung – cầu. Tuy nhiên, nhìn chung giá nhà có thể sẽ không tăng nhiều vào năm 2024. Ông dự báo, phân khúc căn hộ tại các thành phố lớn sẽ tiếp tục tăng ổn định do nguồn cung vẫn chưa thích ứng kịp với nhu cầu khách hàng, nhà đầu tư.