Hiện nay, đang có làn sóng các doanh nghiệp (DN) Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm hiểu môi trường để mở rộng đầu tư và đầu tư mới. Đồng Nai là một trong những điểm đến được nhiều DN Hoa Kỳ quan tâm.
Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành còn nhiều quỹ đất đón nhà đầu tư mới
Tại Đồng Nai, đầu tư của Hoa Kỳ chưa nhiều, nhưng đây lại là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất, chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đến giữa tháng 10-2023, có khoảng 30 DN Hoa Kỳ đã đầu tư
vào tỉnh.
Cơ hội đón dòng vốn lớn
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương 2023 (APEC 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp gỡ, trao đổi với Liên minh DN Hoa Kỳ – APEC. Dịp này, Chủ tịch nước đã có cuộc trao đổi với đại diện lãnh đạo hàng chục DN, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như: Apple Inc., Boeing, Cargill… đại diện các DN Hoa Kỳ đánh giá cao thành tựu và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam và mong muốn sẽ mở rộng đầu tư giao thương với Việt Nam.
Đồng Nai hiện có khoảng 30 DN Hoa Kỳ đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 268 triệu USD. Trong đó, có một số dự án nổi bật với vốn đầu tư lớn như: Công ty TNHH Rohm anh Haas Việt Nam (Tập đoàn Dow) có vốn đăng ký đầu tư 34,4 triệu USD; Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Tập đoàn Cargill) với vốn đăng ký đầu tư trên 22,5 triệu USD; Công ty TNHH Huntman Việt Nam (Tập đoàn Huntmans) có vốn đăng ký 10 triệu USD… Những dự án của DN Hoa Kỳ đều nằm trong các khu công nghiệp của tỉnh.
Gần đây, Đồng Nai liên tục đón các nhà đầu tư của Hoa Kỳ đến tìm hiểu môi trường đầu tư với mong muốn sẽ đầu tư vào một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Đơn cử như: Tập đoàn Coherent; Tập đoàn TWG; các DN đến từ khu vực Montgomery, bang Maryland… Lĩnh vực các DN Hoa Kỳ đang muốn rót vốn vào Đồng Nai chủ yếu thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chuẩn bị môi trường đầu tư thuận lợi
Với chủ trương thu hút những dự án công nghệ tiên tiến, giảm phát thải nhà kính, ít thâm dụng lao động…, nhiều nhà đầu tư khi đến Đồng Nai ngoài mục tiêu chính khảo sát địa thế còn quan tâm đến các chế độ thu hút đầu tư, chất lượng hạ tầng kỹ thuật, nguồn lao động phải bảo đảm đáp ứng nhu cầu khi nhà máy đưa vào vận hành.
Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, hiện nay, thủ tục đăng ký đầu tư tại Đồng Nai khá thông thoáng, bảo đảm các quy định của pháp luật. Cụ thể, trong thời gian tiếp cận hồ sơ, Ban Quản lý sẽ nhanh chóng rà soát các nội dung đăng ký. Nếu DN đáp ứng đủ các yêu cầu thì sẽ được xem xét, cấp phép trong thời gian sớm nhất, nhưng không chậm hơn so với quy định. Khi DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ là cơ sở để hoàn thiện các thủ tục về môi trường một cách nhanh chóng. Hiện nay, các hạ tầng về giao thông, điện, viễn thông… đều được đầu tư hoàn chỉnh, bảo đảm phục vụ nhu cầu nhà đầu tư khi tham gia.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai hiện có hơn 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 2 trường cao đẳng đạt chuẩn quốc tế, đủ điều kiện đào tạo nghề chất lượng cao với 9 nghề đào tạo như: chế tạo thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ hàn, công nghệ điện tử – năng lượng tòa nhà và công nghệ cơ khí, sưởi ấm – điều hòa không khí… Có một số nghề trình độ cao đẳng được nâng cao theo chuẩn quốc tế. Với những nguồn lực trên, Đồng Nai có đủ năng lực đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN công nghệ cao.
Trao đổi với các DN Hoa Kỳ đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Đồng Nai, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, Đồng Nai đang chuẩn bị thông qua chương trình phát triển xanh, giảm phát thải, bảo đảm yếu tố phát triển bền vững và hướng tới giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ. Đây là những chuẩn bị, tạo nền tảng để kinh tế Đồng Nai chuyển dần từ mô hình kinh tế thâm dụng lao động sang mô hình kinh tế có hàm lượng chất xám cao, không thâm dụng lao động, thích ứng phát triển bền vững. Đối với các DN Hoa Kỳ đến Đồng Nai, tỉnh luôn sẵn lòng tiếp đón và mong muốn có sự hợp tác đầu tư để phát triển sản xuất theo hướng xanh.