Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, chiếm khoảng 55% tổng vốn đầu tư đăng ký của “Thủ phủ công nghiệp” Bình Dương.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, năm 2023, địa phương đã thu hút khoảng 82.000 tỉ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (giảm 15,4% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 65.600 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký trên 712.000 tỉ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục là điểm sáng của Bình Dương, năm 2023 “Thủ phủ công nghiệp” này thu hút gần 1,5 tỉ USD (đạt 81% kế hoạch, bằng 48% so với cùng kỳ).
Lũy kế đến nay, Bình Dương có 4.219 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,3 tỉ USD, đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI (chỉ sau TP HCM) và chiếm hơn 8,7% tổng vốn FDI.
Quy mô trung bình dự án khoảng 9,6 triệu USD. Đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo gồm 3.639 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 29,7 tỉ USD, chiếm 74% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, với 100 dự án đầu tư đăng ký mới, 32 dự án điều chỉnh tăng vốn, 91 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư gần 964 triệu USD, chiếm khoảng 55% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trước đó, vào ngày 14-3-2023, Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) và Tập đoàn Gia Định đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận về việc hợp tác thực hiện cụm công nghiệp “Net Zero” tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Đây là khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên của Việt Nam, có diện tích 180 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD.