59 khu đất có tổng diện tích 18.171ha được đưa vào Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2024 – 2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Bình Dương. Số đất này được dự kiến sẽ đem lại 560.359 tỷ đồng cho Bình Dương sau khi đấu giá thành công.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại cuộc họp.
Đề án Khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2024 – 2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Bình Dương (Đề án) được xây dựng trên cơ sở thúc đẩy sự phát triển không gian đô thị của tỉnh Bình Dương. Qua đó góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Bình Dương theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội.
Cụ thể, Đề án thiết lập tạo quỹ đất phục vụ phát triển đô thị từ 3 nguồn quỹ đất, gồm 59 khu đất với tổng diện tích 18.171ha, dự kiến khoảng 560.359 tỷ đồng sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trong đó, 15 khu đất sạch với tổng diện tích khoảng hơn 329ha, đã được thu hồi và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý. Dự kiến quỹ đất này thu được khoảng 8.648 tỷ đồng.
Ngoài ra, 29 khu đô thị mới (kết hợp các điểm TOD) và khu vực phát triển đô thị với tổng quy mô 17.652ha (phần lớn các dự án nằm dọc tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn hiện hữu, kết nối trực tiếp tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4; kết nối đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Dương), dự kiến thu được khoảng 504.395 tỷ đồng (đã trừ giá trị bồi thường ước khoảng 585.686 tỷ đồng).
Cùng với đó, 8 khu đất có nguồn gốc là trụ sở các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một với tổng quy mô 2,53ha, dự kiến thu được khoảng 632,5 tỷ đồng; 7 khu đất với tổng diện tích 187ha, nguồn gốc từ doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp Nhà nước quản lý, sử dụng, dự kiến thu được khoảng 46.683 tỷ đồng.
Nhiều khu đất dọc các tuyến giao thông chính sẽ được đấu giá để lấy vốn đầu tư cho hạ tầng của tỉnh.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Nguồn thu từ quỹ đất của các huyện, thị xã, thành phố, nhất là 4 huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương còn khá lớn, các địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện Đề án. Việc triển khai Đề án theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, nhằm khai thác, sử dụng đất một cách khoa học, hợp lý, phát huy giá trị đất trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh.
Đề án được thông qua sẽ tạo điều kiện phát triển quỹ đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Thông qua đó khai thác, sử dụng đất một cách khoa học, hợp lý, phát huy giá trị đất trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Bình Dương.