Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Kiên định với mục tiêu tăng trưởng xanh
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2023-2030 với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển thịnh vượng về kinh tế.
Theo đó, kế hoạch tăng trưởng xanh của Bình Dương sẽ cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; Cụ thể hóa trong thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với tỉnh.
Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn LEGO tại tỉnh Bình Dương
Mục tiêu của kế hoạch tăng trưởng xanh cũng nhằm để phát triển bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, mục đích của kế hoạch nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và góp phần vào hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Bình Dương đang đẩy mạnh triển khai các thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhằm phát triển kinh tế một cách linh hoạt và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.
Bình Dương tiếp tục xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường, chú trọng an sinh xã hội. Trong đó, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh…
Các khu công nghiệp sinh thái cũng là mô hinh phát triển của Bình Dương để hướng đến tăng trưởng xanh
Bình Dương đang tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Cụ thể, tỉnh đề ra 2 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là công nghiệp-đô thị-dịch vụ-thông minh-bền vững, xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu thành các khu công nghiệp (KCN) thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0.
Giai đoạn 2 là công nghiệp-đô thị-dịch vụ quốc tế-đổi mới sáng tạo-khoa học công nghệ, xây dựng các KCN gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Để tiếp tục phát triển ngày càng bền vững, các KCN trên địa bàn tỉnh đang chủ động nhiều giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng và hiệu quả. Tỉnh cũng tập trung chuẩn bị các điều kiện quan trọng như quỹ đất sạch, quy hoạch KCN, hệ sinh thái công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, cũng như xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân; Đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời nguồn lao động cho các doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn.
|
Hài hòa giữa kinh tế số và kinh tế xanh
Bên cạnh đó, trong định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương, việc hình thành hệ sinh thái thông minh, kiểu mẫu mà cốt lõi là khu công nghiệp thông minh – sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ hiện hữu. Để thực hiện định hướng này, tỉnh Bình Dương đã và đang nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển linh hoạt giữa kinh tế số và kinh tế xanh.
Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương chia sẻ: “Kinh tế số và kinh tế xanh đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Việc ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ để thúc đẩy phát triển, nhất là trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải mạnh dạn đổi mới nhưng cũng không quá mạo hiểm đánh đổi yêu cầu phát triển xanh và bền vững. Vấn đề là, tỉnh phải biết nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ và dấn thân để tìm hướng đi đúng đắn. Đó là lý do mà Tổng Công ty Becamex IDC lựa chọn cả hai trong chiến lược phát triển của mình và tạo nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển của Bình Dương“.
Tỉnh Bình Dương khẳng định vị thế là mắt xích quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Những năm gần đây, tỉnh có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của vùng, đặc biệt là tứ giác TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Bình Dương
Được mệnh danh là thủ phủ công nghiệp, Bình Dương hiện có 29 KCN và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 13.000ha và đang khẩn trương thành lập KCN khoa học – công nghệ tại huyện Bàu Bàng do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp – khu đô thị – khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại…
Có thể thấy, Bình Dương đang là điểm đến của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 3 cả nước, nhiều mô hình doanh nghiệp đang được nhân rộng ra các địa phương.
Thực tế ở Bình Dương cho thấy, việc tăng cường đầu tư vào số hóa và từng bước chuyển đổi số, góp phần đáng kể cải thiện việc sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp, nâng cao năng suất, tăng khả năng phân tích, xử lý thông tin, giảm chi phí và thúc đẩy phân công lao động.
Theo ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương, chuyển đổi số cải thiện mức độ tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp nhờ ý thức, trách nhiệm của người lao động, công nghệ, khả năng đầu tư trang thiết bị, máy móc chất lượng cao để giảm khí thải ô nhiễm, thân thiện với môi trường và bảo đảm tốt đời sống người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng và xác định lộ trình chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn, khả năng của mình.
Việc Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển linh hoạt giữa kinh tế số và kinh tế xanh là phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; Chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.