Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng tung ra nhiều gói tín dụng, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, liên quan đến Thông tư 06/NHNN/2023, các doanh nghiệp BĐS vẫn còn nhiều nỗi lo xoay quanh các điều kiện cấm vay.
Rất nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch tính đến quý II/2023.
Doanh nghiệp BĐS lo “bị đứng hình”, khó vay vốn
Còn chưa đầy 2 tuần nữa, Thông tư 06/NHNN/2023 sửa đổi một số điều về quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, cộng đồng các doanh nghiệp BĐS lo lắng và đã có kiến nghị về các điều kiện cấm cho vay trong thông tư này.
Theo đó, doanh nghiệp cho rằng, thị trường BĐS đang còn nhiều khó khăn, khả năng phục hồi chậm. Hai vấn đề pháp lý và nguồn vốn vẫn là gánh nặng chủ chốt khiến các doanh nghiệp không tìm được lối thoát.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho rằng, hiện nay có hàng nghìn dự án khó triển khai, bị đắp chiếu vì vướng mắc pháp lý, phải dừng lại để rà soát. Rất nhiều dự án bị đứt gãy tiếp cận tín dụng, vốn đầu tư từ khách hàng.
Đặc biệt, là các dự án đang dở dang trong khâu giải phóng mặt bằng, chờ duyệt tiền sử dụng đất, đang xây dựng dở dang… Trong khi đó, Thông tư 06 lại đang ngăn cản cả khách hàng và nhà đầu tư tiếp cận dòng tiền, khiến thanh khoản trên thị trường ách tắc.
“Trong khi Nghị quyết 33/NQ-CP thể hiện một cách rõ ràng và quyết liệt mục tiêu tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, nhằm khơi thông dòng vốn, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản Việt Nam, Thông tư 06 ban hành lại không khác nào khiến doanh nghiệp bị đứng hình, không có cách nào vay vốn” – ông Đính nói.
Ông Đính kiến nghị: “Ngân hàng Nhà nước cần làm rõ đối tượng được vay, gặp khó khăn do pháp lý mâu thuẫn, khó về vốn buộc phải dừng giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, mua lại các doanh nghiệp khó. Từ đó, xây dựng và triển khai phương án cho vay đối với những đối tượng đặc biệt… có cơ chế giám sát“.
Tăng cường sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp BĐS
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ngay khi có chương trình hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực bất động sản theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, Agribank dành 30.000 tỉ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2% để cho vay đối tượng khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố.
Tính từ đầu năm, Agribank đã có 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2-4%/năm so với đầu năm; điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn; điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VNĐ tại Agribank với thời gian áp dụng từ ngày 15.5.2023 đến hết ngày 30.9.2023.
Ngoài Agribank, 3 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất là Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng đồng loạt đưa mức lãi suất cho vay với khách hàng cũ về dưới 10%/năm ngay trong tháng 8.2023.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có nhiều chính sách ưu đãi để kích cầu người tiêu dùng trong thị trường bất động sản như tại TPBank, với khách hàng cá nhân đang có nhu cầu vay để mua nhà, mua xe với các ưu đãi giảm lãi suất từ 1-2%, lãi suất chỉ còn 8,5%/năm. Người vay được hỗ trợ lên tới 100% nhu cầu vốn với thời hạn vay lên đến 30 năm.