Năm 2023 và các năm tiếp theo,
ưu tiên đầu tư trọng điểm cho hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông. Với vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng, dự án đường sắt quy mô lớn kết nối 5 đô thị nội tỉnh Bình Dương đang triển khai nằm trong mục tiêu đó.
Bình Dương được đánh giá là địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước.
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021) mới được công bố, Bình Dương là địa phương đẫn đầu trong top các địa phương có Chỉ số Cơ sở hạ tầng PCI 2021 cao nhất cả nước với mức đánh giá cao về hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng đường bộ.
Xác định mục tiêu “hạ tầng giao thông là đòn bẩy phát triển kinh tế”, trong nhiều năm qua tỉnh Bình Dương đã đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh và kết nối vùng. Tiếp tục xu thế đó, năm 2023 Bình Dương đặt ra mục tiêu là năm ưu tiên đầu tư trọng điểm cho hạ tầng, đô thị, nhất là hệ thống giao thông kết nối vùng.
Dự án đường sắt quy mô lớn kết nối 5 đô thị trong tỉnh
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) tỉnh Bình Dương, tỉnh này đang nghiên cứu lựa chọn tư vấn nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt quy mô lớn kết nối 5 đô thị nội tỉnh.
Dự án đường sắt này bắt đầu từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình, đi qua huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, TP Tân Uyên, TP Thuận An và TP Dĩ An. Tuyến đường sắt nội tỉnh kết nối này có chiều dài 52,2km, với 6 ga: An Bình, Bình Chuẩn, Bình Dương, Chánh Lưu, Tân Hưng, Bàu Bàng và 4 trạm khách gồm: Tân Bình, An Phú, Tân Vĩnh Hiệp, Hòa Lợi.
Trung tâm huyện Bàu Bàng là điểm đầu của đường sắt Bình Dương nối Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.000 tỷ đồng, sử dụng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc đối tác công – tư (PPP).
Theo Sở GT-VT Bình Dương, dự án dự kiến sẽ được khởi công trong quý II/2027 và hoàn thành vào năm 2030. Như vậy, nếu đúng tiến độ, Bình Dương là tỉnh sẽ có tuyến đường sắt nội tỉnh hoàn chỉnh nhất.
Không chỉ xây dựng các tuyến đường sắt kết nối đô thị nội tỉnh, trước đó, lãnh đạo ba tỉnh, TP, gồm: TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã tổ chức Hội nghị “Trao đổi, hợp tác giữa TP HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ” thống nhất kéo dài tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên về TP Biên Hoà của tỉnh Đồng Nai và TP Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương. Trong đó nhánh tới Bình Dương dài gần 30 km, được xây dựng trên cao, từ nút giao Bình Chuẩn đi thị xã Bến Cát, TP Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một.
Với kết nối này, vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ sẽ tạo thêm động lực mới, liên kết vùng rất thuận lợi để cùng nhau phát triển như Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra.
Bình Dương cũng đã có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt với vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng để kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu. Để thực hiện tuyến đường sắt kết nối này, mới đây UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An để kết nối đường sắt từ TP Dĩ An đến TP Biên Hoà của tỉnh Đồng Nai, nút giao có tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu dài 83 km, điểm dừng cuối là cảng Cái Mép – Thị Vải.
Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Minh cho biết, tổng chiều dài tuyến đường sắt kết nối Dĩ An – Biên Hòa – Vũng Tàu bắt đầu từ huyện Bàu Bàng đến cảng Cái Mép – Thị Vải khoảng 125,25km. Trong đó đoạn từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An dài 41,65 km, đoạn từ TP Dĩ An đến nút giao Phước Tân (TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) khoảng 19,1 km (qua Bình Dương 9,1 km và qua Đồng Nai 10 km), đoạn từ Phước Tân đến cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) dài khoảng 42,2 km.
Đối với đoạn từ Dĩ An đến cảng Cái Mép – Thị Vải, Bộ GTVT bổ sung phương án hướng tuyến từ ga Dĩ An – nút giao Phước Tân (vị trí giao đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng với đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu) vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.
Bình Dương kiến nghị phía Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu ủng hộ phương án kết nối để hàng hóa các địa phương thuận lợi về các cảng trong khu vực, nhất là cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải.
Theo quy hoạch của Bộ GT-VT, đến năm 2030 khu vực phía nam có 4 tuyến đường sắt gồm: Biên Hòa – Vũng Tàu; TP HCM – Cần Thơ dài 174 km; TP HCM – Lộc Ninh (Bình Phước) dài 128 km; Thủ Thiêm (TP HCM) – Long Thành (Đồng Nai) dài hơn 37 km.
Dự kiến các vị trí dự án đường sắt kết nối 5 đô thị nội tỉnh Bình Dương sẽ đi qua.
“Hạ tầng giao thông là đòn bẩy phát triển kinh tế”
Tỉnh Bình Dương hiện tại có 4 TP gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và Tân Uyên; ngoài ra dự kiến thị xã Bến Cát sẽ trở thành thành phố thứ 5 của tỉnh Bình Dương trong năm 2025 và trở thành tỉnh có nhiều TP trực thuộc tỉnh nhất cả nước, sau Quảng Ninh. Bình Dương còn 4 huyện gồm: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên.
Xác định mục tiêu “hạ tầng giao thông là đòn bẩy phát triển kinh tế”, trong nhiều năm qua tỉnh Bình Dương đã đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông. Giá trị tăng trưởng kinh tế từ 10-24% trên nhiều lĩnh vực, là bài học bổ ích cho nhiều địa phương khác khi đầu tư hạ tầng đúng hướng. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bình Dương đã đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 tổng số hơn 21.800 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Tại hội nghị gặp gỡ, mời gọi đầu tư diễn ra mới đây, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu: “Cả nhiệm kỳ này, tỉnh Bình Dương tập trung mạnh nguồn lực cho đầu tư công và các công trình hạ tầng giao thông mang tính trọng điểm”.
Hiện Bình Dương tập trung toàn lực cho đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện một số tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh và đến năm 2030 phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng, với đa dạng các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt. Trọng tâm được xác định là tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM – Chơn Thành, đường sắt Bàu Bàng – Cái Mép và tuyến Metro từ Suối Tiên về trung tâm thành phố mới Bình Dương.
Với phương châm “Hạ tầng giao thông là đòn bẩy phát triển kinh tế”, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Là một Trung tâm Công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại và một đô thị thông minh, văn minh, nghĩa tình, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên tầm cao mới, có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và đất nước.
7 tháng năm 2023: Bình Dương xuất siêu hơn 5 tỷ USD
Theo số liệu của UBND tỉnh Bình Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7-2023 ước tăng 2,3% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ. Thương mại – dịch vụ, lũy kế 7 tháng, đạt 174.820 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương trong 7 tháng của năm 2023 đạt 17,8 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ. Về cán cân thương mại tỉnh Bình Dương đang duy trì thặng dư thương mại (xuất siêu) đạt hơn 5 tỷ USD trong 7 tháng qua. Theo Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn, nhìn chung về hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đang duy trì ở một số ngành đạt mức tăng khá; khu vực dịch vụ có nhiều bước khởi sắc khi hầu hết các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí sôi động trở lại; sản xuất nông nghiệp ổn định, một số hàng hóa nông sản có năng suất, chất lượng và giá cả hợp lý. Hàng hóa được cung ứng đảm bảo nhu cầu của người dân, đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tương đương cùng kỳ nhưng số vốn giải ngân gấp 2,5 lần. |