Chiều 08-8, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh chủ trì họp nghe các đơn vị báo cáo tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình và đường Vành đai 3, 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương; cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, Dự án xây dựng tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình sẽ đi qua huyện Bàu Bàng, TX.Bến Cát, TP.Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An dài 52,2km gồm 6 ga: An Bình, Bình Chuẩn, Bình Dương, Chánh Lưu, Tân Hưng, Bàu Bàng và 04 trạm khách: Tân Bình, An Phú, Tân Vĩnh Hiệp, Hòa Lợi). Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.000 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 23.000 tỷ đồng.
Dự kiến khởi công trong quý II/2027 và hoàn thành vào năm 2030.
Dự án đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình
Hiện tại, tỉnh đang nghiên cứu lựa chọn tư vấn nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Bình Dương có điểm đầu tại đầu cầu Thủ Biên hiện tại phía tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, thị xã Bến Cát. Tổng chiều dài khoảng 47,85km; vận tốc thiết kế 100 km/h; công trình giao thông cấp I. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 18.247,9 tỷ đồng.
Dự kiến, thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 – 2026; nhu cầu sử dụng đất khoảng 419,6ha trong đó tuyến chính 413,4 ha, tuyến kết nối 6,2ha; loại hợp đồng dự án PPP: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).
Cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành sẽ đi qua nút giao An Phú, thuộc đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương
Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Chơn Thành từ đường Vành đai 3 đến tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 60,4km; trong đó đoạn từ đường Vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương-Bình Phước dài khoảng 53,3km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài 7,1km. Dự án có đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ đường Vành đai 3 đến cầu Khánh Vân, phường Khánh Bình, thành phố Tân Uyên, có chiều dài khoảng 7,7km được giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc dự án ĐT.743 và ĐT.747B, có tổng bề rộng nền từ 36m-38m (giữ quy hoạch với lộ giới 60m).
Đoạn từ cầu Khánh Vân đến ranh tỉnh Bình Dương-Bình Phước có chiều dài khoảng 45,6km được giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (lộ giới 60m) và đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ (có làn dừng khẩn cấp suốt tuyến); có đầu tư đường gom khoảng 9,15km không liên tục.
Phương thức thực hiện đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1): dự kiến theo phương thức PPP (Hợp đồng BOT: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1): 16.196 tỷ đồng; trong đó, giải phóng mặt bằng 7.388 tỷ đồng; xây lắp 8.808 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1): vốn ngân sách nhà nước (Trung ương, địa phương), vốn nhà đầu tư PPP và vốn khác.
Dự kiến thời gian thực hiện, đầu tư hoàn thành dự án trước năm 2030.
UBND tỉnh đã có Công văn số 3775/UBND-KT ngày 27/7/2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành áp dụng cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan. Theo Nghị Quyết số 08/NQ-HĐND ngày 19/5/2023 của HĐND tỉnh, dự kiến thời gian hoàn thành dự án trước năm 2030. Phấn đấu thực hiện dự án từ năm 2023 – 2027, đưa vào khai thác cuối năm 2027.
Qua ý kiến của các đơn vị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cơ bản thống nhất với kiến nghị, phương án đề xuất của đơn vị chủ đầu tư và tư vấn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời đề nghị 02 đơn vị nghiên cứu kỹ hơn nữa các thủ tục để đấy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình.