Hàng loạt dự án đường giao thông kết nối vùng ở Bình Dương được đề nghị điều chỉnh tăng thêm vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trước đó, các dự án đã được phê duyệt nhưng chậm triển khai nên phát sinh thêm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vì giá đất tăng.
Ngày 21/7, thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai nối Bình Dương với tỉnh Đồng Nai được đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 658 tỷ đồng thành 819 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành được điều chỉnh đến năm 2024.
Đối với dự án đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài được đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 119 tỷ đồng thành 190 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương là 84 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 106 tỷ đồng.
Với dự án này sẽ điều chỉnh quy mô đầu tư, bổ sung đoạn vuốt nối từ phạm vi cuối dự án giáp ranh giữa Dự án đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài và Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội (giai đoạn 2) đến mặt đường hiện hữu Xa lộ Hà Nội. Trên đường chính Xa lộ Hà Nội, xây dựng làn nhập dòng (làn chờ rẽ trái) với chiều rộng làn 7,5m, chiều dài đoạn vuốt nối tối thiểu 75m, kết hợp đèn chớp vàng và biển báo để cảnh báo các phương tiện giao thông; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng, biển báo… từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án điều chỉnh đến năm 2025.
Dự án cầu Bạch Đằng nối Bình Dương với tỉnh Đồng Nai đang thi công
Bình Dương sẽ đền bù và thi công phần đấu nối 3 tuyến đường từ TP Dĩ An vào Xa lộ Hà Nội, trong đó có đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài.
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT 746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa, được đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 1.492,4 tỷ đồng thành 3.100 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đến năm 2026.
Nguyên nhân kinh phí đội lên hơn 1.500 tỷ đồng do tổng kinh phí bồi thường cho dự án đã hơn 2.054,3 tỷ đồng, vượt so với chủ trương đầu tư phê duyệt năm 2019 của HĐND tỉnh Bình Dương.
Bình Dương và TPHCM phối hợp thực hiện đấu nối đường Mỹ Phước Tân Vạn với Xa lộ Hà Nội
Phần chi phí xây dựng, theo chủ trương đầu tư được duyệt là hơn 423 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thiết kế bản vẽ thi công – dự toán, chi phí xây dựng công trình đội lên là hơn 489,6tỷ đồng. Phần vốn xây lắp của doanh nghiệp phát sinh là hơn 6,1 tỷ đồng; tổng chi phí xây lắp tăng thêm hơn 72,6 tỷ đồng.
Về Dự án Đường trục chính Đông Tây đoạn từ Quốc lộ 1A (Bến xe Miền Đông mới – TPHCM) đến giáp Quốc lộ 1K, Bình Dương dự án này bổ sung đoạn vuốt nối từ phạm vi ranh giữa Đường trục chính Đông Tây và dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội (giai đoạn 2) đến mặt đường hiện hữu Xa lộ Hà Nội; và đầu tư hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng, biển báo… từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Đối với dự án này triển khai chậm do giai đoạn 2 phía TPHCM chưa thực hiện nên không thể kết nối ra Xa lộ Hà Nội. Dự án này UBND tỉnh Bình Dương đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện đến 2025.