Thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi từ năm 2024 và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Cùng với đó, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay sẽ làm tăng mức hấp dẫn của thị bất động sản Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.
Bất động sản hút hơn 1.000 dự án FDI
Tại hội thảo “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam” do Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Xây dựng) và Tạp chí Nhà đầu tư đồng tổ chức ngày 13.7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, từ năm 2010, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo. Lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD; đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.
Đã có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dẫn các số liệu đáng chú ý, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài GS.TSKH. Nguyễn Mại, vốn FDI đăng ký vào bất động sản năm 2020 đạt 987 triệu USD, chiếm 13,6%; năm 2021 đạt 1,390 tỷ USD, chiếm 9,1% và năm 2022 đạt 1,816 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn FDI đăng ký.
Trong số 10 dự án FDI có vốn đăng ký nhiều nhất năm 2021 có hai dự án bất động sản là Công ty Dịch vụ hỗ trợ hợp tác phát triển thành phố thông minh Bình Dương của Singapore có vốn đầu tư 500 triệu USD và Dự án Khu nhà ở cao tầng tại TP. Hồ Chí Minh của Nhật Bản có vốn đầu tư là 291 triệu USD.
Trong 10 dự án FDI có vốn đăng ký nhiều nhất năm 2022 có hai dự án bất động sản là Dự án Trung tâm thương mại AEON Huế của Nhật Bản có vốn đầu tư 169,7 triệu USD và Dự án Xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Vĩnh Thanh, Cần Thơ có vốn đầu tư 159,9 triệu USD của Singapore.
Theo CBRE, Việt Nam có 2 yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm, đó là động lực từ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập tăng nhanh.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, lợi thế về dân số trẻ có học thức cao của Việt Nam đã giúp quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Điều đó thúc đẩy các nhà đầu tư quốc tế tạo dấu ấn tại thị trường bất động sản Việt Nam.
Thu hút đầu tư phải có chọn lọc
Tuy vậy, nhìn nhận thực tế, các chuyên gia cũng cho rằng, vẫn còn một số dự án bất động sản có vốn FDI có tình trạng kém hiệu quả; dự án quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai cũng như nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội. Hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời.
Đồng thời các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài; Tín dụng bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, chúng ta nghe nhà đầu tư ca ngợi thì rất mừng nhưng cũng cần đánh giá môi trường đầu tư hiện tại. Những nhà đầu tư “đại bàng” là đối tượng bị đánh thuế tối thiểu toàn cầu nên rất lo lắng, liệu rằng Việt Nam thực thi ra sao và có đưa ra được những quy định, điều kiện thuận lợi hay không. Đây không phải lúc quy định chung chung cho các doanh nghiệp mà cần có quy định cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, bởi mỗi doanh nghiệp sẽ có những khó khăn khác nhau.
Để đẩy mạnh hơn nữa dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị, cần rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel…) phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh. Khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản.
Đồng thời hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng; kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.
Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản TS. Hoàng Hải cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay. Với nhiều điểm mới, hai luật này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở bảo đảm cân đối cung – cầu, đa dạng hóa nguồn cung, tránh tình trạng thị trường phát triển nóng, bất thường, gây lạm phát kinh tế. Đặc biệt, các chính sách mới sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thu hút lượng vốn lớn, chất lượng cao.
Theo: Hạnh Nhung