Dự án cảng sông An Tây , Xã An Tây (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là nơi được chọn để xây cảng với công suất đạt 7 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu thủy nặng đến 3.000 tấn. Vị trí cảng nằm bên sông Sài Gòn, giáp đường ĐT 744 và Vành đai 4 TPHCM.
Ngày 8/7, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh vừa ký văn bản phê duyệt Danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư của dự án Cảng sông An Tây.
Phạm vi ranh giới thực hiện dự án: Phía Tây Nam, phía Nam giáp với sông Sài Gòn, phía Bắc giáp đường Vành đai 4 (quy hoạch), phía Đông, phía Đông Nam tiếp giáp đất trống.
Diện tích khu đất để thực hiện dự án Cảng sông An Tây là 100 ha, trong đó đất xây văn phòng 25.384 m2, đất kho bãi 323.994 m2, đất bãi 298.852 m2, đất hạ tầng kỹ thuật 14.817 m2, đất bến cảng 12.729 m2, đường giao thông 210.371 m2, kênh thoát nước 28.463 m2, đất cây xanh cảnh quan 72.155 m2, đất mặt nước trước bến 13.271 m2.
Tổng mức đầu tư dự án là 2.279,2 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 1.416,096 tỷ đồng, chi phí thiết bị 176 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 453,400 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 15,577 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư 45,315 tỷ đồng, chi phí khác 31,154 tỷ đồng, chi phí dự phòng 141,609 tỷ đồng.
Công suất cảng đạt 7 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 3.000 tấn. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến: Từ năm 2023 đến năm 2027. Vốn đầu tư thực hiện dự án thuộc sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác. Nhà đầu tư dự án Cảng sông An Tây cần đáp ứng các yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đầu tư theo quy định.
Vị trí Cảng An Tây nằm bên sông Sài Gòn, giáp đường ĐT 744 và Vành đai 4 TPHCM
Xã An Tây (thị xã Bến Cát), nơi được chọn để triển khai dự án có vị trí mạng lưới giao thông khá thuận lợi khi có trục ĐT 744, là tuyến đường liên tỉnh kết nối với tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, vị trí Cảng An Tây nằm bên sông Sài Gòn và giáp với dự án đường Vành đai 4 TPHCM mà tỉnh Bình Dương đang triển khai thực hiện.
Dự án Cảng sông An Tây đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương. Cụ thể, sẽ thu hút vận tải hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Tây Nguyên, lợi thế vị trí của Cảng sông An Tây kết nối hầu hết các khu công nghiệp, tránh được kẹt xe khu vực kết nối với TPHCM, kết nối đường sông thuận lợi với các cảng Cát Lái, Cái Mép.
Đồng thời, tạo ra một khu dịch vụ Logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí Logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại địa phương trong tỉnh cũng như trong vùng Đông Nam bộ, thu hút một lượng lao động lớn tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, nâng cao chất lượng lao động hiện thực hóa quy hoạch, định hướng phát triển xã hội của tỉnh Bình Dương.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, lãnh đạo thị xã Bến Cát cho biết địa phương đã hoàn thành hồ sơ theo quy định, dự kiến trong năm 2023 Bến Cát sẽ lên thành phố.
Theo: Hương Chi
Xem thêm: Gần 50% nhà đầu tư lựa chọn mua đất nền trong thời gian tới