Nhật Bản đang là quốc gia đứng thứ 3 về đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh. Đến nay, Đồng Nai đã có 262 dự án đầu tư đến từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD.
Đầu tháng 11 này, UBND tỉnh và Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI-Kansai) đã phối hợp tổ chức hội nghị Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam – Nhật Bản năm 2023. Hội nghị thu hút khoảng 100 DN của Việt Nam và Nhật Bản tham gia với nhiều hoạt động kết nối giao thương giữa DN 2 nước.
Thúc đẩy kết nối về công nghiệp hỗ trợ
Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và DN Nhật Bản nói riêng tại Đồng Nai đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ của địa phương, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, vì đây là thế mạnh của các DN Nhật Bản.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ của METI-Kansai, Đồng Nai đã thành lập Tổ điều phối viên để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hàng năm, tổ đã duy trì tổ chức hoạt động kết nối giao thương giữa DN Việt Nam và DN Nhật Bản để tạo cơ hội cho các bên tìm đối tác, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường tình hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam.
Bà Ueda Mayuko, Giám đốc Bộ phận kinh doanh quốc tế, Phòng Quan hệ quốc tế (METI-Kansai) cho biết, Việt Nam đang là điểm đến thu hút nhiều DN Nhật Bản mở rộng kinh doanh xét từ góc độ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng; đồng thời, được kỳ vọng sẽ là cơ sở để xây dựng chuỗi cung ứng tới các nước lân cận ở châu Á. Riêng tại Đồng Nai, hiện có khoảng 235 DN Nhật Bản đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, các DN Nhật Bản mở rộng sang Việt Nam cần tăng cường hoạt động mua sắm tại địa phương để tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và mong muốn được hợp tác với các nhà cung cấp địa phương. Vì lý do này, METI-Kansai đã làm việc với các điều phối viên của Đồng Nai để tìm các nhà cung cấp địa phương tiềm năng tại Việt Nam, là dịp kết nối, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh mới nhất có thể giữa DN Việt Nam và Nhật Bản.
Phó giám đốc Công ty TNHH Long Nhật (TP.Biên Hòa) Watanabe Mikio cho biết, công ty chuyên sản xuất, gia công những linh kiện cơ khí, hỗ trợ công nghiệp với chất liệu nhôm mạ kẽm, inox. Tham gia hội nghị kết nối giao thương giữa DN Việt Nam – Nhật Bản là dịp tốt để công ty kết nối, mở rộng các hoạt động giao thương, tìm đối tác mới, mở rộng thị trường.
Tăng cường thu hút đầu tư
Trưởng ban Kết nối DN của Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) Hirata Tomoari cho hay, Hiệp hội hiện có hơn 1 ngàn DN hội viên, trong đó có hơn 40% số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo. Nhóm DN Đồng Nai của JCCH hiện có hơn 120 hội viên đang hoạt trên địa bàn tỉnh và tạo cơ hội việc làm cho gần 55 ngàn lao động địa phương.
Mới đây, Tổ điều phối viên xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã ký kết ghi nhớ hợp tác về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều DN, ngân hàng có vốn đầu tư từ Nhật Bản như: Ngân hàng Ikeda Senshu, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Long Đức… |
Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều khu công nghiệp, trong đó có các khu công nghiệp do nhà đầu tư Nhật Bản phát triển. Đây là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều DN Nhật Bản. Bên cạnh đó, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa luôn là yếu tố quan trọng để giúp DN giảm thiểu chi phí. Vì vậy, các hoạt động, hội nghị kết nối giao thương là cơ hội thúc đẩy giao thương vô cùng ý nghĩa đối với DN 2 nước Việt Nam – Nhật Bản.
Giám đốc điều hành Công ty CP Sản xuất Khang Thành (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Nguyễn Duy Thuần chia sẻ, công ty có vốn đầu tư từ Nhật Bản, chuyên cung cấp các sản phẩm về bao bì giấy. Tham gia hội nghị kết nối giao thương là dịp rất tốt để các DN có cơ hội để kết nối với các đối tác, DN tiềm năng. Thị trường chính của công ty là cung cấp sản phẩm bao bì giấy cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nước và xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, sau các hoạt động kết nối giao thương, đã có nhiều DN ở Đồng Nai trở thành nhà cung cấp sản phẩm, linh kiện… cho các DN Nhật Bản. Việc kết nối giao thương giữa DN Việt Nam nói chung và DN ở Đồng Nai nói riêng với các DN Nhật Bản là hoạt động đặc biệt quan trọng, mở ra cho các DN cơ hội tìm hiểu, lựa chọn các đối tác phù hợp, tiến tới hợp tác lâu dài để cùng nhau phát triển trong tương lai.