Khi giải quyết được những ách tắc về pháp lý của dự án sẽ giúp gia tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24-10-2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Nhiệm vụ cấp bách
Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP và các văn chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh phải coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê số lượng các dự án BĐS đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc; chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời.
Một số dự án bất động sản đang triển khai tại TP HCM.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BĐS đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn liên quan 183 dự án trên cả nước. “20 dự án được tập trung tháo gỡ trong quý III/2023. Tổ công tác cũng có những trao đổi thường xuyên, thậm chí đã trực tiếp làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm các vấn đề trên tinh thần khẩn trương tháo gỡ cho các dự án để các dự án được đưa vào triển khai” – ông Sinh cho hay.
Theo Bộ Xây dựng, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng. Hiện nay đã có 20 tỉnh, thành (Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Bắc Giang, Tây Ninh, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Bình Thuận) công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo gói hỗ trợ với nhu cầu vay 25.884 tỉ đồng. “Tính đến thời điểm hiện tại đã có một số dự án NƠXH tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83 tỉ đồng trên hạn mức 1.095 tỉ đồng, cụ thể: Công ty Minh Phương tại tỉnh Phú Thọ được giải ngân 23,7 tỉ đồng; Công ty Kinh Bắc tại tỉnh Bắc Ninh được giải ngân 46 tỉ đồng; liên danh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP Tư vấn Toàn Cầu tại TP Hà Nội được giải ngân 13,4 tỉ đồng” – Bộ Xây dựng cho biết.
Sớm gỡ vướng pháp lý
Theo Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh, trong 3 tháng cuối năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển NƠXH, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn, cải tạo nhà chung cư cũ. “Bộ sẽ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP như hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển NƠXH, nguồn vốn, thông tin truyền thông hỗ trợ thị trường” – ông Thanh cho hay.
Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế. Đồng thời rà soát nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất các nội dung cần sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để thúc đẩy phát triển NƠXH; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 09/2021/TT-BXD về phát triển và quản lý NƠXH… “Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi) khi thông qua tại kỳ họp thứ 6” – ông Thanh cho hay.
Chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực cho rằng những nội dung trong công điện đốc thúc của Thủ tướng Chính phủ thực tế đã và đang được bộ, ngành triển khai. Những số liệu công bố cho thấy thị trường đang có những bước tiến tích cực. Dòng vốn vào BĐS đang chảy đều khi tín dụng cho lĩnh vực này đã tăng gần 5%, tương đương với mức tăng của toàn nền kinh tế, riêng tín dụng kinh doanh BĐS tăng 18%. “Vướng mắc hiện tại là sức cầu của thị trường còn yếu, nhất là cầu tín dụng nhà ở của khách hàng cá nhân trong bối cảnh thu nhập giảm, lãi suất còn cao” – TS Cấn Văn Lực nói.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, ông Lê Hoàng Châu, nhấn mạnh Công điện 993 như một cú hích, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết khó khăn cho thị trường và các doanh nghiệp BĐS.
Theo ông Lê Hoàng Châu, vướng mắc lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là vấn đề pháp lý, vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc này. Khi khơi thông được pháp lý, giải tỏa ách tắc cho các dự án sẽ giúp gia tăng thanh khoản cho thị trường. Từ đó, tạo thuận lợi cho hoạt động cho vay, giao dịch BĐS. Để sớm giải quyết những vướng mắc này, ông Châu góp ý các địa phương cần nhanh chóng phân loại các vướng mắc của dự án trên địa bàn để có phương án tháo gỡ cụ thể. Vướng mắc nào ngoài thẩm quyền của địa phương thì cần phải phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết sớm.
Nhiều vướng mắc về NƠXH
Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM về việc triển khai, thực hiện các dự án NƠXH trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2016-2025 diễn ra ngày 25-10, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Quản lý nhà ở và thị trường BĐS – Sở Xây dựng TP HCM, nêu hàng loạt bất cập, vướng mắc khi thực hiện các dự án NƠXH trên địa bàn. Cụ thể, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án rất khó khăn, kéo dài, tiến độ dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Đối với dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, tuy đã xác định được quỹ đất 20% xây dựng NƠXH nhưng chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư hạ tầng kỹ thuật nên chưa thể xây dựng. Thành phố chưa bố trí quỹ đất cho phát triển NƠXH trong một số đồ án quy hoạch xây dựng đô thị; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… làm ảnh hưởng đến sự chủ động chuẩn bị quỹ đất để thực hiện chương trình NƠXH mang tính chất dài hạn, căn cơ. Để thúc đẩy dự án NƠXH trong thời gian tới, ông Phạm Đăng Hồ cho rằng cần ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư. Khi lập và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 có quy hoạch NƠXH, nhà lưu trú công nhân. Việc này nhằm tạo thuận lợi hơn cho các khâu đầu tư NƠXH về sau. Vấn đề quan trọng nữa là ghi vốn đầu tư công để thực hiện dự án NƠXH thuộc sở hữu nhà nước để sử dụng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Sở Xây dựng đề xuất nghiên cứu xây dựng đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở để tạo suất vốn đầu tư xây dựng NƠXH từ chính đối tượng có nhu cầu. Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP HCM, ủng hộ việc thành lập quỹ tiết kiệm này. Theo ông, cái khó nhất của đầu tư công được chỉ ra là nguồn vốn và dẫn chứng khu đất sạch ở phường Hiệp Thành, quận 12 vẫn đang chờ nguồn vốn đầu tư công để xây dựng NƠXH. Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM, sốt ruột vì đến nay vẫn chưa có thông báo về việc tách số tiền sử dụng đất tương đương giá trị quỹ đất 20% xây dựng NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại để có nguồn vốn thực hiện dự án NƠXH. Như khu đất tại phường Hiệp Thành, quận 12 đã làm xong hạ tầng nhưng vẫn chờ vốn. Trong khi đó, việc xác định số tiền để lập dự toán xây NƠXH từ nguồn vốn thu được từ các dự án nhà ở thương mại thì một số đơn vị lại đùn đẩy trách nhiệm. Phát biểu kết luận, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM, cho rằng trong quá trình thực hiện dự án NƠXH có nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để. Trong đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị khác cùng thực hiện nhiệm vụ. Bà Vân đề nghị các đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh và nhìn nhận trách nhiệm để thời gian tới phối hợp tốt hơn. |