Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Trích dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến quý III/2023, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, bằng 55% so với cùng kỳ.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Một số tổ chức đánh giá triển vọng FDI và thương mại trong ngắn hạn của Việt Nam sẽ phục hồi tốt.
ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, đạt mức tăng trưởng 5.8% trong năm 2023. Goldman Sachs nhận định, dòng vốn FDI toàn cầu đang rời Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Fitch Ratings nhận định rủi ro tín dụng và thanh khoản của thị trường bất động sản Việt Nam đã qua giai đoạn đỉnh điểm.
Về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và bắt đầu triển khai các dự án mới.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, pháp lý.
Đối với việc phát hành trái phiếu đối ở lĩnh vực bất động sản, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn trong năm 2023. Đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản hiện nay có 455 mã trái phiếu (cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ) niêm yết. Tính đến ngày 15/9/2023, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% giá trị phát hành (56,9 nghìn tỷ đồng). Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là tổ chức trong nước (92%), nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng thấp (5.18%).
Quy mô giao dịch bình quân tháng 9 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước. Bình quân 9 tháng đạt 5,8 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 24,1% so với bình quân năm 2022.