Đồng Nai vừa đánh giá, xác định lại không gian phát triển kinh tế – xã hội theo mô hình đa cực. Trong đó, H.Vĩnh Cửu đã được đơn vị liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh bổ sung vào vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh.
Với việc được bổ sung vào vùng phát triển kinh tế động lực, H.Vĩnh Cửu sẽ có thêm nhiều cơ hội bứt tốc, trở thành địa phương có sức hút đối với các nhà đầu tư lớn. Đây sẽ là cơ hội để những dự án đã được quy hoạch ở Vĩnh Cửu có thêm cơ hội chọn lựa nhà đầu tư xứng tầm, đặc biệt là những dự án về lĩnh vực dịch vụ, du lịch, những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường…
Đề xuất các phương án kết nối giao thông
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, H.Vĩnh Cửu có nhiều tiềm năng phát triển khi nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, khi tuyến đường vành đai 4 – TP.HCM được đầu tư xây dựng, cùng với sân bay Biên Hòa được quy hoạch là cảng hàng không quốc nội, tầm nhìn đến năm 2030 khai thác với quy mô công suất thiết kế dự kiến 5 triệu hành khách/năm và tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ là 10 triệu hành khách/năm.
Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng (KTHT) H.Vĩnh Cửu Lê Quang Hiển cho biết, vừa qua, khi UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh góp ý quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phòng KTHT đã kết hợp với các phòng, ban của huyện tham mưu lãnh đạo huyện một số phương án đề xuất kết nối hạ tầng giao thông với sân bay Biên Hòa và các nội dung liên quan trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai. Đây là những phương án nhằm tạo lợi thế cho Vĩnh Cửu khi các dự án của tỉnh và trung ương được thực hiện. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các phương án kết nối hạ tầng giao thông với khu vực sân bay Biên Hòa.
Để khai thác hết những tiềm năng phát triển trong tương lai, H.Vĩnh Cửu đã đề xuất các giải pháp cụ thể như: kết nối đường vành đai 4 đến khu vực sân bay Biên Hòa theo hướng đường được quy hoạch mở mới là ĐT768B nối dài, kết nối từ TT.Vĩnh An đến tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân hoặc kết nối đường vành đai 4 đến khu vực sân bay Biên Hòa theo tuyến đường dây điện 500kV kết hợp với đường ven sông Đồng Nai.
Một phương án khác mà Vĩnh Cửu đề xuất là bổ sung quy hoạch đường ven sông Đồng Nai, nhằm kết nối với tuyến đường ven sông TP.Biên Hòa; nếu được thực hiện, tuyến đường này sẽ dọc theo sông Đồng Nai, kết nối với các cầu qua sông Đồng Nai như: cầu Thạnh Hội, cầu Bạch Đằng, cầu Tân Hiền – Thường Tân.
Tạo động lực phát triển cấp vùng
Nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng phát triển của H.Vĩnh Cửu sẽ có sự khác biệt lớn khi tuyến đường vành đai 4 – TP.HCM được đầu tư xây dựng. Khoảng cách từ H.Vĩnh Cửu đến khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ gần hơn so với các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, như vậy, việc trở thành điểm có sức hút đầu tư của Vĩnh Cửu khi đó sẽ không còn là vấn đề cản trở lớn bởi những lợi thế về giao thông đường thủy, đường bộ và đường hàng không.
Theo định hướng, vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh được quy hoạch theo 3 vùng gồm: vùng phía Tây Nam có các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP.Biên Hòa và một phần H.Vĩnh Cửu; vùng phía Đông có các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh; vùng phía Bắc có các huyện: Định Quán, Tân Phú và một phần H.Vĩnh Cửu. Như vậy, H.Vĩnh Cửu là huyện duy nhất nằm ở 2/3 trục phát triển kinh tế của tỉnh là phía Tây Nam và phía Bắc. Những trục phát triển này phù hợp với quy hoạch phát triển chung của huyện trong những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho hay, với những phương án quy hoạch mà huyện đã đề xuất từ kết nối hệ thống giao thông đến phát triển đất sản xuất công nghiệp đều phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Khi giao thông được kết nối, không chỉ công nghiệp mà nhiều ngành khác như dịch vụ, du lịch sẽ thu hút được nhà đầu tư. Vĩnh Cửu sẽ có cơ hội trở thành cực tăng trưởng kinh tế mạnh của tỉnh theo hướng phát triển công nghiệp – đô thị, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch thông minh, du lịch sinh thái rừng, hồ; phát triển nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường…