Trang chủ Tin dự án Điều phối xây dựng vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm phát triển năng động

Điều phối xây dựng vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm phát triển năng động

Sáng 1​8-7, tạ​i TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ. Ông Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ chủ trì hội nghị.

Tham dự có ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy các tỉnh, thành Đông Nam bộ; các chuyên gia, nhà khoa học.​

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bắt tay lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham dự hội nghị

Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.

Nhiều thách thức đặt ra

Theo báo cáo tại hội nghị, Đông Nam bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và năng động, với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước (281.100 doanh nghiệp), chiếm 41% số doanh nghiệp cả nước; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp. Đây còn là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, với khoảng 23.000 doanh nghiệp FDI từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, chiếm 41,1 % tổng vốn FDI cả nước, lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với trên 5.300 dự án, chiếm khoảng 60% tổng vốn FDI của vùng.

Chỉ riêng trong năm 2022, Đông Nam bộ có hơn 60.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 646.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 31.500 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 287.000 tỷ đồng.

Toàn cảnh hội nghị

Mặc dù đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển vùng Đông Nam bộ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả. Xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng. Các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ngập úng ​cục bộ tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương trong vùng chưa được giải quyết.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ việc cần đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn vùng Đông Nam bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quan điểm phát triển vùng Đông Nam bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham luận tại hội nghị

Phát triển vùng theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hoà với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Nâng cao sức khoẻ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng. Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá, tinh thần tự lực, tự cường của “Miền Đông gian lao mà anh dũng” trong xây dựng và phát triển vùng.

Tổ chức không gian phát triển vùng gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn. Tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị

Tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng Đông Nam bộ với các vùng khác; tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Phát triển nhanh, bền vững, hài hoà giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng.

Tổ chức không gian phát triển vùng phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm. Chú trọng việc kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Phát triển kinh tế – xã hội vùng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Giải quyết các vấn đề lớn của vùng

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận liên quan các vấn đề như: Giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ đồng bộ, hiện đại; giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực; giải pháp hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường, ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn; lập quy hoạch TP.Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm vùng gắn với định hướng kết nối đô thị, kết cấu hạ tầng, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù Đông Nam bộ nhằm phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, trung tâm tài chính…

TS.Trần Du Lịch  – Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất cơ chế, chính sách cho vùng Đông Nam bộ

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết của các Bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực của Hội đồng tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện kế hoạch triển khai các hoạt động của Hội đồng trong 6 tháng cuối năm 2023 và các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hội đồng cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất; tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, đồng thời tập trung xử lý 03 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng: Ách tắc giao thông, vấn đề môi trường, vấn đề nhà ở.

Về điều phối, các thành viên Hội đồng cần tích cực đóng góp ý kiến, phát huy vai trò điều phối của Hội đồng vùng trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia. Các địa phương sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh. Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn; phải chỉ ra và phát huy được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hạn chế, hóa giải các khó khăn, tồn tại, thách thức.

Hội đồng cần chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng, để đề xuất các chính sách đột phá, phù hợp với vị trí, vai trò quan trọng của vùng. Cơ chế đột phá, đặc thù cần đi liền chính sách ưu tiên, trên tinh thần nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

kinh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Bên cạnh đó, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng. Đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng điều phối vùng nhằm phát hiện kịp thời các vướng mắc có tính chất liên tỉnh, thành phố. Đặc biệt là các địa phương phải đoàn kết, đồng lòng phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố, không thực hiện manh mún, cạnh tranh và hạn chế lẫn nhau.

Về điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao (trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ đặc trưng nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, khác biệt so với các vùng khác. Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết, có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động liên kết. Thủ tướng lưu ý, đầu tư công cần đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư. Huy động đa dạng các nguồn vốn như vay các quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu…

Với khí thế mới, cách tổ chức mới, Thủ tướng tin tưởng rằng, bằng sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức đồng lòng và nỗ lực cao của các Bộ, ngành, các địa phương; sự góp sức của các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các đối tác liên quan; phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá, tinh thần tự lực, tự cường của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đưa vùng phát triển thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ý kiến bình luận